BEZEL ĐỒNG HỒ LÀ GÌ? KHÁM PHÁ 8 CHỨC NĂNG THÚ VỊ QUA VÒNG BEZEL

Bezel là gì? Đó vành đồng hồ ( hay còn gọi là vành benzel) – bộ phận kết nối vỏ và mặt kính đồng hồ. Một số cố định, một số có thể xoay – xoay theo một chiều hoặc cả hai chiều. Ở những mẫu cổ điển, vòng bezel đồng hồ thường chỉ có tác dụng trang trí: trơn, mạ vàng hoặc đính đá.

Nhưng từ năm 1950, những công ty chế tác đồng hồ đã nhận ra rằng, vòng bezel là một bộ phận hoàn hảo để tích hợp các tính năng đặc biệt cho cỗ máy thời gian. Hãy cùng chúng tôi giải mã những tác dụng đặc biệt của vòng bezel và cách sử dụng chúng.

1. Đếm thời gian trôi qua (Count up with a 0-60 scale)

Vòng Bezel của mẫu đồng hồ nam ROLEX

Chúng ta thường thấy vòng bezel xuất hiện ở những chiếc đồng hồ lặn (Dive Watch). Hệ thống chia vạch được đánh từ 0 – 60 tương ứng với 60 phút để người lặn theo dõi thời gian lặn, từ đó tính toán được độ sâu và lượng không khí còn lại.

    • 15 phút (hoặc 20 phút) đầu được phân chia 1 phút 1 vạch, giúp tính toán nhanh và chính xác hơn. Phần còn lại được chia 5 phút 1 vạch. Trên vòng bezel có một điểm đánh dấu có thể phát quang trong trường hợp thiếu sáng.

Các thao tác khi sử dụng vòng bezel lặn:

    • Bước 1: Xoay vòng bezel ngược chiều kim đồng hồ đến vị trí vạch 0 trên bezel trùng với kim phút như hình trên.
    • Bước 2: Theo dõi khoảng thời gian lặn bằng cách xác định vị trí của kim phút ứng với số bao nhiêu vòng bezel. Đó chính là số phút lặn.

2. Đếm thời gian ngược (Count down with a 60-0 scale)

Đặc điểm của vòng bezel đếm ngược là vạch số trên vòng bezel chạy từ 60 – 0 theo chiều kim đồng hồ. Chức năng này không chỉ sử dụng cho lặn biển mà còn rất hữu dụng cho phi công, quân sự hay cảnh sát để đồng bộ thời gian trong những trường hợp đặc biệt.

Coutdown Bezel Số chỉ ngược từ 60 – 0

Khi bắt đầu đếm ngược, bạn xoay vòng bezel sao vạch số đánh dấu thời gian lặn trùng vị trí kim phút. Ví dụ bạn muốn lặn 20 phút, hãy chỉnh mốc 20 trên vòng bezel trùng với kim phút. Thời gian trôi qua, khi kim phút chỉ đến số 0 trên vòng bezel là “hết giờ”.

3. Chức năng GMT

Vào khoảng năm 50, khi các chuyến bay hàng không ngày càng phổ biến, hãng hàng không Pan Am đã yêu cầu Rolex chế tạo cho họ chiếc đồng hồ có thể hiện thị cả giờ địa phương và giờ GMT để sử dụng trên những chuyến bay vượt Đại Tây Dương. Kết quả là chiếc Rolex GMT Master diệu kỳ ra đời.

Vòng bezel của đồng hồ GMT được chia 24 vạch – tương ứng với 24 múi giờ. Đồng thời mặt số hiện diện thêm một kim chỉ giờ GMT mang màu sắc khác biệt.

Để sử dụng chức năng này, bạn làm theo các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra, đảm bảo thang đo 24 giờ đang hiển thị chính xác giờ địa phương hiện tại.

Bước 2: Tính toán giờ ở địa điểm bạn cần chuyển đổi phải cộng hay trừ bao nhiêu giờ so với giờ địa phương. Sau đó xoay vòng bezel sang trái hoặc sang phải từng đó nấc.

Vậy là bạn đã có chiếc đồng hồ thứ 2, kim giờ GMT lúc này chỉ giờ ở nơi bạn muốn xác định.

Ví dụ: Bạn đang ở Việt Nam và muốn biết giờ của Nhật Bản. Tại Việt Nam, lúc này là 2:00 p.m tức kim giờ GMT phải chỉ 14:00. Múi giờ Nhật Bản hơn Việt Nam 2 giờ nên bạn xoay vòng bezel sang trái 2 nấc. Khi đó, mốc 12h  nơi mặt số trùng với vị trí 2h của vòng bezel. Lúc này, kim giờ GMT chỉ số 16 trên vòng bezel, tức ở Nhật Bản đang là 16:00 hay 4:00 p.m.

4. Chức năng la bàn (Compass)

Nhiều người không nhận ra chiếc đồng hồ họ đang đeo trên tay có chức năng như một thiết bị la bàn thực thụ. Hãy để ý xem vòng bezel của bạn có thể xoay được 2 chiều và có 4 chữ cái N, E, S, W không?

Nếu có, đó chính là chức năng la bàn. N – North, E – East, S – South, W – West tương ứng với các hướng Bắc, Đông, Nam, Tây.

Khi cần xác định phương hướng, hãy làm theo hướng dẫn sau:

    • Bước 1: Đảm bảo đồng hồ của bạn chạy đúng giờ và xác định bạn đang ở Bắc bán cầu hay Nam bán cầu.
    • Bước 2: Đặt chiếc đồng hồ trên bàn tay sao cho chỉ kim giờ chỉ về hướng mặt trời.
    • Bước 3: Nếu bạn ở Bắc bán cầu, xoay vòng bezel đến khi chữ  S nằm ở vị trí giữa kim giờ và mốc 12h. Thay vào đó là chữ N nếu bạn ở Nam bán cầu.
    • Bước 4: Dùng định hướng trên vòng bezel sau khi điều chỉnh ở bước 3 để xác định hướng bắc, nam, tây, đông. Trong trường hợp bạn dùng la bàn để xác định hướng đi trong nhiều giờ, hãy thiết lập lại vòng bezel mỗi giờ một lần.

5. Chức năng đo tốc độ (Tachymeter)

Vòng bezel tachymeter là một trong những vòng bezel cố định xuất hiện nhiều nhất ở dòng đồng hồ Chronograph (đồng hồ có chức năng bấm giờ). Với mục đính xác định tốc độ, chúng ra mắt lần đầu ở các cuộc đua mô tô những năm 60, 70. Nói một cách chính xác hơn, Tachymeter được dùng để tính toán số đơn vị trên giờ.

Chúng ta tiếp tục lấy ví dụ để dễ hiểu cách dùng: bạn muốn tính tốc độ của một chiếc ô tô đang chạy trên đường đua và biết chính xác khoảng cách từ điểm A đến điểm B là 1 km.

Đầu tiên bạn cài đặt kim giây Chronograph về vị trí 0 giờ. Khi xe đi qua điểm A, nhấn nút bắt đầu, khi xe đến điểm B, bạn nhấn kết thúc. Kim giây dừng lại chỉ thời gian trên mặt số trung tâm và chỉ tốc độ km/h của chiếc ô tô ở vòng bezel.

Bạn có thể sử dụng chức năng này với mọi đơn vị tính. Nhưng cần đảm bảo thời gian đo trong vòng 60 giây hoặc ít hơn.

Bạn cũng có thể tính trung bình số sản phẩm sản xuất trong 1 giờ bằng cách bấm giờ Chronograph từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc sản xuất 1 sản phẩm. Tại thời điểm dừng lại, kim giây sẽ chỉ số sản phẩm sản xuất/giờ.

Tương tự với việc tính trung bình số pha ném bóng mỗi giờ trong một trận bóng chày, tốc độ gõ bàn phím hoặc bất kỳ việc gì lặp đi lặp lại mà không phụ thuộc vào đơn vị.

6. Chức năng đo khoảng cách (Telemeter)

Cũng sử dụng tính năng bấm giờ Chronograph, nhưng thay vì tốc độ, Telemeter bezel đo khoảng cách. Ban đầu chúng được tích hợp trên đồng hồ để những người lính tính toán khoảng cách của bom trong những trận chiến. Hoặc với mục đính khác “thân thiện hơn” như đo khoảng cách sét tới vị trí của bạn trong một cơn bão.

Bắt đầu nhấn nút Chronograph khi bạn nhìn thấy tia sét, bấm kết thúc khi bạn nghe thấy tiếng sấm. Việc rất đơn giản tiếp theo là quan sát kim giây trên mặt đồng hồ. Số trên thang Telemeter mà kim giây chỉ đến chính là khoảng cách của bạn và cơn bão.

Đơn vị khoảng cách thường là kilomet hoặc dặm đã được mặc định và ghi sẵn trên mặt số đồng hồ. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện tương tự với các sự vật mà bạn vừa nhìn thấy ánh sáng, vừa nghe thấy âm thanh của nó.

7. Chức năng đo nhịp tim (Pulsometer)

Chiếc vòng bezel cố định Pulsometer xuất hiện ở dòng đồng hồ dành cho bác sỹ những năm 1940. Chức năng này tiếp tục sử dụng nút Chronograph để theo dõi kim giây. Nhịp tim của bệnh nhân nhanh chóng được chỉ ra mà không cần bất kỳ tính toán nào. Vì thế nên đồng hồ Pulsometer còn được gọi với cái tên “đồng hồ y tế”.

Hệ thống thang đo Pulsometer ở vòng bezel được mặc định dùng với một số nhịp đếm cụ thể, thường là 15, 20 hoặc 30 nhịp (số này được ghi ở trên mặt số của đồng hồ, chiếc Longines bên dưới áp dụng cho 30 nhịp đếm – Grade pour 30 pulsations)

Bạn sử dụng chức năng Pulsometer bằng cách: bấm nút Chronograph bắt đầu khi phát hiện thấy mạch đập và bấm kết thúc sau khi đếm xong số nhịp được mặc định (15, 20 hoặc 30). Vị trí kim Chronograph trên thang Pulsometer chính bằng số nhịp tim trên phút. Thật tiện lợi phải không?

8. Chức năng tính toán chuyển đổi (Slide Rule)

Slide Rule có lẽ là chiếc vòng bezel thông minh và phức tạp nhất. Chúng kết hợp 2 thang đo logarit (logarithmic): một thang cố định và một thang là vòng bezel có thể xoay để tính toán và chuyển đổi đơn vị.

Những năm 50, hãng đồng hồ Breitling danh tiếng đã tích hợp thành công chức năng này cho cỗ máy mang tên Breitling Navitimer. Ngay sau đó, thiết bị trở thành công cụ đo lường tiêu chuẩn dành cho phi công để tính nhanh tốc độ gió, lượng nhiên liệu tiêu thụ và khoảng cách.

>>> Chúng ta thử hình dung về một phép nhân đơn giản: 14×8.

    • Bước 1: Xoay vòng bezel sao cho số 14 trên vòng bezel trùng với số hệ số trên thang đo cố định (người ta thường dùng hệ số là 10 – một số đồng hồ in số 10 màu đỏ để người dùng dễ nhận biết).
    • Bước 2: Giữ nguyên vị trí đó và tìm số 8 trên thang cố định, đối chiếu với vòng bezel ta được kết quả: 122.

Như vậy, qua những kiến thức trên, không những biết được bezel là gì, chúng ta giải mã 8 tác dụng đặc biệt của chiếc vòng “nhỏ nhưng có võ” này.

Nguồn: https://xwatch.vn/


   Nếu đồng hồ có gặp trục trặc gì cần sửa chữa , hãy đến : Trung tâm sửa chữa đồng hồ HT để bên em chăm sóc tốt nhất cho chiếc ĐH của quý anh chị.

           Sửa chữa đồng hồ HT cam kết đem đến dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho đồng hồ anh chị, bao gồm : Lau dầu / bảo dưỡng , thay pin , thay dây , thay kính và chống nước cho đồng hồ. 

           Đồng hồ HT – 166 trần quốc thảo quận 3 hcm , nằm ở vị trí khá thuận tiện cho các anh chị di chuyển , đặc biệt là các khu vực : Q1 , Q10, Q Phú Nhuận, Tân Bình, …

           Xin cảm ơn quý anh chị ghé thăm.~~!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *